Nếu đã từng đọc cuốn tiểu thuyết lừng danh hoặc biết về tác phẩm nổi tiếng : Tiếng gọi nơi hoang dã, bạn sẽ biết tác giả của nó là đại văn hào Jack London.
Jack London sinh ra ở Oakland, Mỹ và với những du khách yêu thích “tiếng gọi nơi hoang dã” thì hãy dừng chân thăm quê hương của đại văn hào này nhé.
Dừng chân ở Oakland, bạn sẽ bắt gặp quảng trường Jack London, bức tượng của ông đứng nghiêng người về phía trước với tư thế vừa đi vừa chịu đựng dưới mưa giông, sau lưng ông là vịnh Oakland, tấp nập du thuyền, trước mặt ông là con chó Buck với tư thế lầm lì, nhẫn nhục.
Đã bao năm tháng trôi qua, có những trận mưa, giông tố và bão bùng, nhưng bức tượng Đại văn hào vẫn đứng đó vô cùng điềm tĩnh và uy nghi.
Bên cạnh con chó là một căn chòi gỗ cổ xưa, căn chòi chỉ chừng vài chục mét vuông, cỏ phủ trên mái gỗ và một thảm cỏ mọc trước sân.
Theo lời kể thì đây là căn chòi của Jack London được chuyển về từ thành phố Dawson, thuộc lãnh thổ Canada, vào năm 1968. Jack London đã sống hai năm trong căn chòi này với công việc tìm vàng và sáng tác.
Phía trước căn chòi có tấm bảng cho biết: năm 1968, Russ Kingman, một doanh nhân ở Oakland với lòng ngưỡng mộ Jack London đã dẫn đầu một đoàn thám hiểm đến miền Alaska hoang dã để xác thực về một căn chòi nhỏ được khám phá trong rừng trên ngã ba phía bắc của Henderson Creek. Kingman mang theo Ralph Godfrey, một chuyên gia về chữ viết tay từ "Bộ phận quan sát chi tiết giả mạo" của sở cảnh sát Oakland, họ cùng nhau xác minh chữ ký của Jack London đã bị xoá bỏ trên trần nhà.
Sau đó, căn chòi được chính phủ cho phép tháo rời, đóng gói vận chuyển khỏi khu rừng và được chia làm đôi: một nửa đến thành phố Dawson, Canada và một nửa được mang về cảng Oakland.
Ngoài căn chòi nhỏ, du khách sẽ thấy một uán nhỏ có tên Heinold's, phía trên có dòng chữ Jack London's Rendez-vous (Điểm hẹn của Jack London). Trong quán trưng bày ngổn ngang đồ cổ: bếp dầu, máy chiếu phim, máy nghe nhạc, đồng hồ, các vật dụng trang sức cổ...
Theo người chủ quán thì tại Heinold's, Jack London đã cho ra đời ít nhất 17 tác phẩm, trong đó có Tiếng gọi nơi hoang dã và Sói biển. Trong tiểu thuyết Sói biển, Jack London đã "lấy mẫu" từ một con người có thật mà ông từng tiếp cận trong quán này, đó là thuyền trưởng Alexander Melean, một người độc ác đến nỗi các thuỷ thủ đặt tên cho con tàu của ông ta là con-tàu-địa-ngục.
Mặc dù cuộc đời của Jack London có nhiều thăng trầm nhưng những tác phẩm của ông còn mãi với thời gian, và dù cuộc đời của ông có kết thúc ở tuổi 40 thì “tiếng gọi nơi hoang dã”, “Sói Biển”… hay các tác phẩm khác và thành phố xinh đẹp Oakland sẽ còn tồn tại mãi mãi.