Tết dương lịch, từ 31/12/2014 đến 4/1/2015, có 117 phi công VNA báo ốm, trong đó chỉ có 10 trường hợp có giấy chứng nhận của cơ quan y tế.
Việc 117 phi công Vietnam Airlines báo ốm vừa qua được coi như là lãn công. Một sự kiện nghiêm trọng, bất thường gây nguy cơ xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng đến tâm lý đội ngũ phi công của hãng - Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh cho hay.
90% là phi công lái máy bay Airbus
Tại buổi họp báo chiều 12/1, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) Phạm ngọc Minh cho hay, từ cuối năm 2014, một số phi công của hãng đã xin nghỉ việc. Tuy nhiên, cao điểm là vào Tết dương lịch, từ 31/12/2014 đến 4/1/2015, đã có 117 lượt phi công VNA báo ốm, trong đó chỉ có 10 trường hợp có giấy chứng nhận của cơ quan y tế.
Ông Minh nói rằng, điều bất thường ở đây là có tới 90% trong tổng số phi công báo ốm thuộc đội bay Airbus, ít phi công lái dòng máy bay Boeing hay ATR 72. Con số này cao gấp hơn hai lần cùng kỳ 2013-2014, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines. “Việc phi công báo ốm hàng loạt bất thường cộng thêm hiện tượng hơn 30 phi công đội bay Airbus nộp đơn xin thôi việc là sự việc nghiêm trọng, không chỉ ở số lượng nhiều mà có nguy cơ xây xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng đến tâm lý đội ngũ phi công đang bay của hãng. Đây không thể coi là việc đơn lẻ, mà là lãn công tập thể thông qua báo ốm, đe dọa đến an toàn an ninh của một hãng hàng không là chủ lực, nòng cốt của quốc gia”, ông Minh nói. Ngày 5/1, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc Vietnam Airlines đã tiến hành họp khẩn cấp để đánh giá hiện tượng bất thường này, tìm biện pháp khắc phục, đề phòng tình huống tương tự có thể xảy ra vào dịp Tết âm lịch sắp tới. Đồng thời, báo cáo cơ quan chức năng về vụ việc.
Năm lần tăng lương phi công
Trên thực tế, Vietnam Airlines cho hay tính đến năm 2105, hãng đã 5 lần cải cách thu nhập cho lực lượng phi công. Cụ thể, đối với những lao động đặc thù kỹ thuật cao như phi công, kỹ sư, bắt đầu từ năm 2008, hãng đã xây dựng lộ trình cải cách tiền lương trong nội bộ, phấn đấu thu nhập của đội ngũ lao động đặc biệt tiếp cận ở mức 75-80% mặt bằng phi công nước ngoài với chức danh tương đương. Đợt một năm 2008, lương của đội ngũ phi công thu nhập tăng gấp đôi. Đợt cải cách thứ hai vào năm 2010, hãng đưa hết những khoản như chế độ như ăn định lượng, tiền lương theo giờ bay... vào lương. Từ năm 2012, tất cả các khoản thu nhập đều được tính vào lương, và là thu nhập chịu thuế. Sang đến năm 2014, Vietnam Airlines tiếp tục cải cách tiền lương theo lộ trình, mặc dù đây là năm đặc biệt khó khăn của hãng. Gần đây nhất, tháng 11/2014, lãnh đạo VNA đã có buổi làm việc với toàn bộ phi công để công khai trao đổi ý kiến có những bước cải cách tiền lương tiếp theo. Năm nay, hãng sẽ có 2 lần cải cách tiền lương nữa vào 6 tháng đầu năm và vào tháng 7/2015.
Bảng lương thay đổi theo các năm
Ông Minh cho hay, các đợt cải cách tiền lương đều nằm trong lộ trình cam kết của hãng với người lao động, trong đó riêng tăng lương cho phi công ở đã mức hai con số, trong khi lương của bình quân của toàn Vietnam Airlines cũng tăng trưởng nhưng không tương ứng. Ở thời điểm cuối năm 2014, thu nhập bình quân của người lao động còn lại của hãng cả năm xấp xỉ 12 triệu đồng/tháng. Có thể nói, sau đợt điều chỉnh vào nửa cuối năm nay, mặt bằng lương phi công của hãng sẽ đạt 80% so với mặt bằng khu vực, ở chức danh tương đương. Theo ông Trần Thanh Hiền, Trưởng Ban Tài chính - Kế toán, Kế toán trưởng của Vietnam Airlines, riêng trong năm 2013, quỹ lương cho phi công của tổng công ty lên tới 550 tỷ đồng, trong đó tiền đào tạo phi công là 220 tỷ, nộp thuế thu nhập cá nhân cho phi công là 240 tỷ đồng. Ông Hiền phân tích, riêng lương của nhân công 8% tổng chi phí hoạt động của hãng. Giá thuê phi công nước ngoài nằm trong dải giá từ 10.000-12.000 USD/tháng.
Không chạy đua tăng lương
Ông Minh cho hay, việc một hãng hàng không quốc gia bị lâm vào tình trạng này lôi kéo nhân sự kỹ thuật cao như phi công, kỹ sư không phải không có tiền lệ.
Ở Cathay Pacific hay Qantas... cũng đã xảy ra hiện tượng tương tự. Trong hầu hết các trường hợp, Chính phủ các nước đều phải can thiệp. Chẳng hạn, năm 1998, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Cathay Pacific không đàm phán với nghiệp đoàn phi công, ai muốn nghỉ cho nghỉ ngay và sẽ cung cấp phi công để bù vào. Tại Singapore, Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng đã trực tiếp yêu cầu giải quyết việc này. “Vì thế, đây là việc chúng tôi phải có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý để có chỉ đạo dừng ngay sự việc bất thường này. Thời gian tới, hãng cũng xây dựng văn bản pháp quy dưới luật để giải quyết triệt để vấn đề chuyển dịch lao động sang hãng khác”. Đối với việc bồi thường chi phí đào tạo, ông Minh cho rằng đặt vấn đề này ra sẽ gây tranh luận lớn, bởi ngoài chi phí đào tạo cơ bản do gia đình phi công trả, nhưng có chi phí không tính được như đào tạo thi sát hạch 2 lần/năm, đào tạo từ phi công đến cơ trưởng, phải tích lũy kinh nghiệm qua hàng nghìn giờ bay - đó là vấn đề không đơn giản.
“Vì thế, những phi công đã nghỉ việc chúng tôi chưa chấm dứt hợp đồng lao động, bởi họ còn phải thực hiện điều khoản là quay về bồi thường chi phí đào tạo”, ông Minh nói. Trả lời câu hỏi có hay không chuyện Vietnam Airlines chạy theo để tăng lương để giữ chân nhân viên khi các hãng khác tăng, ông Minh nhấn mạnh, hãng không có chủ trương chạy theo mức lương mà các hãng đối thủ đưa ra. “Chúng tôi nói rõ với đoàn bay 919 là sẽ điều chỉnh lương theo lộ trình, với tất cả đồng thời 600 phi công chứ không chỉ có phi công Airbus hay vì một vài ngươi bỏ đi”. Trước mắt, trong giai đoạn Tết âm này, số lượng phi công nộp đơn nghỉ việc không phải quá nhiều, đến thời điểm này nhiều người đã rút đơn, song Vietnam Airlines cũng đã chuẩn bị lực lượng. Về lâu dài, hãng cần có giải pháp về tăng năng suất lao động, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh - đây mới là những giải pháp lâu dài để mức lương tiệm cận thị trường. Nếu không giải quyết được bài toán này hãng sẽ còn vấp vấn đề tương tự trong tương lai.